Nhà nước cần ứng dụng công nghệ vào xác định giá đất, thực hiện đăng ký giá đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vấn đề quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, được nhấn mạnh với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, định hướng là khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là việc xác định cơ cấu đất đai, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả.
Do đó, việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa” là hết sức cần thiết, qua đó tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai đối với sự phát triển đất nước trong thời gian tới.
Tạo khung pháp lý đầy đủ
Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW Trần Tuấn Anh cho rằng, thể chế các quan điểm, định hướng chỉ đạo tại Nghị quyết 19-NQ/TW, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rõ các quyền đối với đất đai được pháp luật bảo hộ, bao gồm quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tạo điều kiện cho thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản trên đất phát triển.
Hơn nữa, Luật Đất đai năm 2013 đã có nhiều đổi mới nhằm tạo điều kiện thúc đẩy và hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển.
Cụ thể là đã hoàn thiện thể chế cho thị trường sơ cấp giữa Nhà nước và các bên có liên quan thông qua quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để cung đất ra thị trường; quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất để lựa chọn nhà đầu tư; việc giao đất theo hình thức đấu giá công khai minh bạch; quy định giá đất cụ thể khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Luật Đất đai năm 2013 đã hoàn thiện thể chế cho thị trường thứ cấp giữa các chủ thể tham gia là hoàn thiện quy định về các quyền của người sử dụng đất; cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện các quyền; đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận để tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị truờng; thiết lập cơ chế tư vấn định giá đất, hoàn thiện các tổ chức dịch vụ công để hỗ trợ cho hoạt động của thị trường.
Theo Phó giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thể chế hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW, các quan điểm, định hướng chỉ đạo, đặc biệt là liên quan đến sở hữu đất đai, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất… đã được chế định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992) tại Điều 53 và Điều 54.
Cụ thể, Điều 54 Hiến pháp quy định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.
Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.
Cùng với đó, pháp luật về đầu tư, nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về giao dịch bảo đảm, đặc biệt là việc thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, việc xử lý nợ của các công ty mua bán nợ… đã được quy định cụ thể, nhằm tạo khung pháp lý đầy đủ cho thị trường bất động sản.
Định hướng phát triển thị trường quyền sử dụng đất
Để phát triển bền vững thị trường quyền sử dụng đất, Phó giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ cho rằng, về phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, Nhà nước cần làm rõ chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với các công trình, tài nguyên trong phạm vi không gian đã được Luật Đất đai và pháp luật khác có liên quan xác định.
Đồng thời, Nhà nước cần rà soát thẩm quyền, phân cấp, phân quyền cho các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương tới địa phương trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giá đất; có chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất để điều chỉnh cho phù hợp với năng lực thực hiện của đối tượng được phân cấp.
Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường đầu tư nguồn lực để đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, quyền sử dụng đối với đất có chế độ sử dụng đất hỗn hợp, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng đất, thiết lập khung pháp lý cho các quyền đối với đất đai chưa được quy định.
Đặc biệt, Nhà nước cần ứng dụng công nghệ vào xác định giá đất, tới từng thửa đất, thực hiện đăng ký giá đất, xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất, khung giá đất, bảng giá đất, giá đất (đấu giá, đấu thầu, bồi thường, tái định cư…) làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về giá đất, từng bước đổi mới phương pháp xây dựng bảng giá đất và hệ số điều chỉnh theo phương pháp thị trường.
Theo bà Kate Rickersey, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia được xem là một nhân tố quan trọng để thực hiện các dịch vụ Chính phủ điện tử.
Theo đó, Việt Nam cần xây dựng môi trường chính sách thuận lợi như xác định tầm nhìn của công tác quản trị đất đai giai đoạn 2021-2045 theo hướng hiện đại, dựa trên nền tảng số và tương tác cao, giúp bảo đảm chất lượng công tác quản lý đất.
Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng và thực hiện một kế hoạch hành động nhằm hoàn tất công tác đăng ký cho các thửa đất còn lại và cấp chứng nhận quyền sử dụng đất đai, ứng dụng các giải pháp và cách tiếp cận sáng tạo khi cần thiết.
Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng, triển khai chiến lược xây dựng hạ tầng dữ liệu địa lý-không gian; chính sách quốc gia về dữ liệu mở; cần được hỗ trợ thông qua hoạt động chuyển đổi cơ cấu quản lý đất đai, tăng cường hiểu biết của người dân, truyền thông, chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ cho cán bộ, nhằm tăng cường năng lực thực hiện và bảo đảm tính bền vững dài hạn./.
Diệu Thúy (TTXVN/Vietnam+)
Theo vietnamplus.vn – Bài viết gốc