Theo Savills, khả năng phục hồi của ngành bất động sản trong thời kỳ chịu nhiều thay đổi dưới tác động của dịch bệnh Covid-19.
Mới đây, Savills công bố kết quả từ cuộc khảo sát chuyên sâu về dự báo triển vọng 2022 cho hoạt động đầu tư, cho thuê thương mại, và tầm ảnh hưởng của các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) tại 36 thành phố lớn trên thế giới trong năm 2022. Kết quả cho thấy khả năng phục hồi của ngành bất động sản trong thời kỳ chịu nhiều thay đổi dưới tác động của dịch bệnh Covid-19.
Triển vọng lợi nhuận
Phần lớn các chuyên gia cao cấp của Savills đều kỳ vọng về lợi suất sinh lời cao sẽ không thay đổi cho đến Quý 2 năm 2022. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số ngoại lệ. Lĩnh vực bất động sản công nghiệp và nhà ở sẽ nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư, lợi suất từ các lĩnh vực này được kỳ vọng theo xu hướng chuyển dịch, thay vì chỉ đứng yên. Từ góc nhìn nhà đầu tư, lĩnh vực văn phòng cho thấy khả năng phục hồi rõ rệt, với 97% người tham gia khảo sát dự đoán lợi suất đầu tư giữ nguyên hoặc giảm nhẹ.
- Xem thêm: Gói hỗ trợ tín dụng 250 tỷ đồng của Chính phủ trong đại dịch Covid-19 mở những nút thắt trọng tâm
Nguồn cầu văn phòng từ ngành công nghệ thông tin
Khảo sát của Savills cho thấy hoạt động cho thuê thương mại năm 2022 được kỳ vọng sẽ trở lại ngang bằng với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, mức độ phục hồi sẽ tuỳ thuộc vào từng thị trường. Các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam cho thấy nhiều triển vọng trong các hoạt động cho thuê, được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự chuyển đổi mô hình làm việc linh hoạt chậm hơn so với các khu vực khác.
Các công ty hoạt động về lĩnh vực công nghệ dự kiến sẽ dẫn đầu về nhu cầu thuê mặt bằng văn phòng, 79% người tham gia khảo sát dự đoán rằng các hoạt động cho thuê sẽ diễn biến cao hơn năm 2019. Mặc dù áp dụng mô hình làm việc linh hoạt, văn phòng vật lý vẫn đóng một vai trò không thể thiếu đối với các công ty công nghệ.
Tại Việt Nam, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết: ‘’Nhu cầu văn phòng trong năm 2021 ổn định, thể hiện qua các giao dịch nổi bật đến từ các công ty công nghệ lớn như Shopee, Line tại dự án Capital Place và HCL tại dự án Leadvisors Tower (Hà Nội). Mặc dù chịu tác động của Covid-19, ngành Công nghệ Thông tin vẫn cho thấy sự phát triển mạnh mẽ với nhu cầu tuyển dụng nhân sự lớn.
Thị trường Việt Nam với tiềm năng phát triển các dự án công nghệ, đang ngày càng thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia. Thêm vào đó, nhiều công ty công nghệ Thông tin trong nước hiện này cũng đang thực hiện kế hoạch mở rộng nhân sự số lượng lớn nhằm phục vụ việc phát triển doanh nghiệp. Do đó, nhu cầu thuê văn phòng của các công ty ngành Công nghệ Thông tin vẫn ở mức cao trong giai đoạn hiện nay. Các ngành công nghiệp khác như sản xuất, bảo hiểm, ngân hàng cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng’’.
Yếu tố tăng trưởng bền vững trở nên quan trọng
75% người tham gia khảo sát của Savills cho rằng phát triển bền vững là yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư. Thực tế có thể thấy yếu tố này chưa xuất hiện rõ rệt tại thị trường lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương như HongKong, Tokyo, Jakarta và Seoul ở thời điểm hiện tại. Song, việc này sẽ sớm thay đổi khi thế giới đang dần chú ý hơn đến tầm ảnh hưởng của các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG).
Khảo sát của Savills cho thấy, khi xét về hoạt động đầu tư phát triển bền vững của một doanh nghiệp, có đến 54% người tham gia cho rằng danh tiếng của doanh nghiệp sẽ là động lực rất lớn, trong khi 46% còn lại cho rằng cơ hội tăng trưởng lợi nhuận cũng có thể coi là một động lực quan trọng khác.
Tỷ trọng vốn toàn cầu tăng
Các hoạt động đầu tư được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh hơn trên phạm vi toàn cầu, khi các hạn chế di chuyển được giảm dần ở các quốc gia. Các nghiên cứu kỳ vọng 47% tổng vốn đầu tư sẽ đến từ các nhà đầu tư quốc tế và khoảng gần 50% đến từ các nước láng giềng vào năm 2022.
Lĩnh vực văn phòng dẫn đầu
Bất động sản văn phòng được coi là lĩnh vực lớn nhất và hiện vẫn đang ghi nhận sự gia tăng về nhu cầu. Tại hơn một nửa các thành phố tiến hành khảo sát, phân khúc văn phòng được dự kiến là nhóm tài sản thống trị thị trường và đáng để đầu tư trong năm 2022. Tại Thâm Quyến, Bắc Kinh, Quảng Châu và Seoul, bất động sản văn phòng dự kiến sẽ chiếm 60% tổng vốn đầu tư.
Báo cáo Tổng quan Thị trường Bất động sản của Savills Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy hoạt động ổn định và triển vọng lạc quan của thị trường văn phòng Hồ Chí Minh và Hà Nội. Số lượng doanh nghiệp ICT của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt 100.000 trong năm 2025, gần gấp đôi số lượng của năm 2020. Theo nghiên cứu của Savills, tới năm 2022, các thị trường mới nổi bao gồm Việt Nam sẽ có hoạt động cho thuê phát triển mạnh nhất nhờ tăng trưởng của kinh tế cộng với sức mạnh từ các ngành công nghiệp và xu hướng làm việc linh hoạt.
Lan Nhi
Theo Nhịp sống kinh tế – bài viết gốc